Trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngày 15-7-1954, Ban Chấp hành Trung
ương Đảng hợp Hội nghị lần thứ 6 (khóa II) xác định: Đế quốc Mỹ đang trở thành kẻ thù
chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, trên cơ sở
mục tiêu không thay đổi, Nhân dân ta cần phải chuyển hướng phương châm, chính sách và
sách lược đấu tranh cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới.
Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký ngày 20-7-1954 quy định lấy vĩ
tuyến uyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng hai bên tập kết, Quân đội nhân
dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc, quân đội liên hiệp Pháp ở phía Nam. Giới tuyến quân sự chỉ
có tính chất tạm thời, không có giá trị là ranh giới chính trị hay lãnh thổ. Miền Bắc hoàn toàn
giải phóng, miền Nam tạm thời đặt dưới sự quản lý của đối phương và quy định thời hạn tổ
chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7-1956.
Ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: "Để thực
hiện hòa bình, bước đầu tiên là quân đội hai bên phải ngừng bắn. Để ngừng bắn, thì cần phải
tách quân đội hai bên ra hai vùng khác nhau: tức là điều chỉnh khu vực. Điều chỉnh khu vực là
việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất
nước nhà bằng cách tổng tuyển cử... Đó là một việc cần thiết. Nhưng Trung - Nam - Bắc đều
là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải
phóng".
Tại Nam Bộ, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Phân liên Khu miền Đông, Phân liên Khu miền Tây và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn vừa tổ
chức học tập quán triệt nhiệm vụ chuyển hướng đấu tranh, vừa gấp rút triển khai thực hiện các
điều khoản của Hiệp định. Từ đầu tháng 8-1954, hoạt động tác chiến trên chiến trường Nam
Bộ giảm hẳn. Khắp nơi, Nhân dân, các cơ quan kháng chiến và đơn vị vũ trang tổ chức hội
nghị mừng công, mít-tinh chào mừng thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và học tập nội
dung Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài,
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có quyết định mang tầm chiến lược, là đưa một số
lượng không nhỏ cán bộ, chiến sĩ, con em đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học
tập. Đây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường, mà còn là đợt chuyển quân mang trong
đó những chủ trương, chính sách về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng một đội
ngũ cán bộ, chiến sĩ, vừa góp phần cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị
lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, chỉ tập kết lực lượng quân sự, vì vậy để hợp lý hóa, cán
bộ, học sinh và con em gia đình cách mạng đều phải mang quân trang, quân phục khi xuống
tàu ra Bắc. Hiệp định cũng đã quy định rõ ba khu tập kết tạm thời và thời gian tập kết (tính từ
ngày 21-7-1954) trước khi lên tàu ra miền Bắc, gồm: khu tập kết tại Hàm Tân - Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) trong thời gian 80 ngày (đến 6 giờ
ngày 11-10-1954); khu tập kết tại Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười (tỉnh Long Châu Sa, nay là
tỉnh Đồng Tháp) trong thời gian 100 ngày (đến 6 giờ ngày 30-10-1954) và khu tập kết tại
Chắc Băng, Cà Mau trong thời gian 200 ngày (đến 6 giờ ngày 10-2-1955).
Sau khi tổ chức mít-tinh mừng chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne- vơ,
các địa phương, cơ quan kháng chiến và lực lượng vũ trang các cấp tiến hành lập danh sách,
phân loại, cử người tiếp tục ở lại và người đi tập kết. Trong vòng một tháng, lực lượng tập kết
chuyển quân đã hành quân an toàn về các khu vực tập kết theo quy định, trong sự tiễn đưa lưu
luyến của Nhân dân địa phương. Tại đây, các đơn vị vũ trang cùng cán bộ các ngành dân -
chính - đảng được sắp xếp lại, tổ chức thành các trung đoàn hành quân.
Tại Phân liên Khu miền Đông (bao gồm cả Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn), lực lượng
tập kết chuyển quân có tổng cộng 14.635 người, gồm: 19 tiểu đoàn và tám đại đội vũ trang
chiến đấu; hai tiểu đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại miền Đông Cam-pu-chia; bộ phận
phân liên khu bộ và các cơ quan phân liên khu, trung đoàn bộ, tỉnh đội; bộ phận đặc khu bộ và
các cơ quan Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
Tại Phân liên Khu miền Tây, lực lượng tập kết chuyển quân được tổ chức thành bốn
trung đoàn, quân số tổng cộng có 13.327 người, gồm: Trung đoàn 1 (Tiểu đoàn 307, bộ đội
địa phương và du kích các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Trà1
); Trung đoàn 2 (Tiểu đoàn 410, bộ đội địa
phương và du kích các tỉnh Cần Thơ, Long Châu Sa); Trung đoàn 3 (Tiểu đoàn 308, bộ đội
địa phương và du kích các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Trà); Trung đoàn 4 (các cơ quan
tham mưu, chính trị, cung cấp, quân nhu, các đơn vị binh chủng).
Riêng đối với Tây Ninh, có 283 cán bộ, đảng viên, chiến sĩ của tỉnh cùng một số cán
bộ của Phân liên Khu miền Đông từ chiến khu Dương Minh Châu chuyển về khu tập kết 100
ngày tại Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa và được biên chế vào lực lượng Trung đoàn 656 ra
miền Bắc.
Lực lượng tập kết chuyển quân thuộc các cơ quan dân - chính - đảng được bố trí
chung trong các trung đoàn chuyển quân và chịu sự chỉ huy chung của ban chỉ huy chuyển
quân từng khu vực do Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ chỉ định. Về tổ chức Đảng,
Trung ương Cục miền Nam ra nghị quyết về tổ chức Đảng ủy chuyển quân và tổ chức Đảng
trong khối dân - chính - đảng. Theo đó, Đảng ủy chuyển quân gồm có các trung đoàn ủy và
một số đồng chí trong lực lượng dân chính - đảng tập kết theo các trung đoàn.
Từ ngày 26-8-1954, các con tàu vận tải mang tên Ác-khăng-ghen, Xta-ze-rô-pôn (của
Liên Xô), Ki-lin-ky (của Ba Lan) bắt đầu đưa những đoàn cán bộ chiến sĩ tập kết của Nam Bộ
ra miền Bắc. Ngày 25-9-1954, đoàn chuyển quân đầu tiên ở khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc
cập bến Sầm Sơn (Thanh Hóa). Đến cuối tháng 10-1954, toàn bộ lực lượng tập kết ở hai khu
vực Hàm Tân - Xuyên Mộc và Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười ra đến miền Bắc an toàn. Ngày
8-2-1955, chuyến tàu cuối cùng chuyển quân ở Nam Bộ từ khu vực Cà Mau ra đến miền Bắc.
Đến đây, việc tập kết chuyển quân ở chiến trường Nam Bộ được hoàn tất. Trong hàng ngũ bộ
đội Nam Bộ đã ra tập kết, có đủ mặt các đơn vị đã chiến đấu trong suốt 8, 9 năm ở miền Đông
và miền Tây, ở Đồng Tháp Mười hoặc dọc sông Cửu Long, có các chiến sĩ du kích đã từng
lăn lộn sau lưng địch trong vùng ngoại ô Sài Gòn - Chợ Lớn hay ở ngay trong các đô thị.
Trong lực lượng của Liên khu 5 tập kết ra Bắc có các đơn vị đã từng chiến thắng ở Kom Tum,
An Khê-Gia Lai, những đơn vị đã từng giữ vững các vùng độc lập của miền cực Nam trong
suốt 8, 9 năm, những đơn vị chiến đấu của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên. Các đơn vị tình
nguyện đã từng chiến thắng trên chiến trường Lào và Cam-pu-chia cũng đã về đến nơi. Toàn
thể các cán bộ và chiến sĩ đều hăng hái và phấn khởi, họ đã kiên quyết chấp hành lệnh ngừng
bắn, tập kết và chuyển quân, đã kiên quyết tạm xa miền Nam yêu quý, để tỏ rõ tinh thần kỷ
luật và ý chí yêu chuộng hòa bình của quân và dân ta..."
Trong hiệp định Giơ-ne-vơ đã quy định thời hạn tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất
nước Việt Nam vào tháng 7-1956 nên toàn thể Nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc đều tin
rằng, sau hai năm sẽ trở về, trước khi lên tàu các cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân miền Nam vẫy
tay tạm biệt người thân, bạn bè, chiến hữu bằng cách giơ hai ngón tay lên hàm ý hai năm sẽ
gặp lại; nhưng cuộc chuyển quân đó đã kéo dài đến tận 20 năm sau. Qua 70 năm, những cán
bộ, chiến sĩ, học sinh tập kết ra miền Bắc, nhiều người đã trở thành cán bộ, lãnh đạo các cấp;
các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, nhiều người đã trở thành Anh
hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động... góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.
Sự kiện chuyển quân tập kết ra Bắc là cuộc chuyển cư lịch sử của thế kỷ XX, cuộc
chuyển cư này đã góp phần đưa lịch sử Việt Nam thành bộ phận quan trọng, nổi bật của lịch
sử thế giới trong những năm 1950 - 1975 của thế kỷ trước. Sự kiện này cũng chứng tỏ rằng,
Nhân dân hai miền Nam - Bắc luôn đoàn kết một lòng vượt qua muôn vàn khó khăn, gian
khổ, dũng cảm trong xây dựng và chiến đấu ở mọi thời kỳ cách mạng của dân tộc, góp phần
viết nên những trang sử oanh liệt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam.